Quản sự của đội đốt lò là một người phụ nữ trung niên với đôi chân mày lúc nào cũng nhíu lại như thể bất cứ lúc nào cũng có thể giáo bạn một trận, nhưng từ lúc vào đội đến giờ chưa thấy bà to tiếng với ai. Chân Linh và Tử Yên được báo lên cấp trên là xảy ra sự cố khi làm việc nên được nghỉ nửa buổi và gọi vào phòng quản sự uống trà, ai cũng biết hẳn là bị mắng không nhẹ.
Lúc nghe bàn cơm bên cạnh nói vậy Tư Tâm đang ngồi cùng tôi hóng hớt xách luôn bát cơm qua buôn chuyện, vì lúc xảy ra chuyện chỉ có vài người, Tư Tâm vừa đúng lúc có mặt tại đó.
“Em là người chứng kiến toàn bộ đây, cãi nhau gay gắt lắm, ân oán tình thù của hai chị ấy rối thành một nùi như thế trách sao suốt ngày cãi cọ.”
Cô gái khác tiếp lời: “Ở đây lâu đều biết hai người như chó với mèo, nhưng không ngờ hôm nay lại đánh nhau một trận đến nỗi suýt té vào than nóng như thế, náo đến tận Chưởng quản cung nữ cũng biết , chắc phải lãnh phạt thôi.”
“Con nhỏ Tử Yên đó ỷ mình là cháu gái của quản sự không để ai vào mắt bị phạt là đáng, nhưng lần này Chân Linh cũng bị kéo vào.”
Cả hai bàn cùng thở dài một lượt.
Tối nay tôi đi gửi tiền cho Trương Phóng, người nhận tiền mỗi ngày đều phụ trách ra ngoài lấy nguyên liệu nấu ăn vào cung, đi từ rất sớm nên tối trước một hôm phải đưa tiền cho anh ta. Mỗi lần gửi xong người này sẽ cầm một vật của người nhà bên ngoài để xác nhận là đã gửi tiền thành công, tôi cũng nhận được mảnh giấy Trương Phóng viết chữ “Nguyệt Mẫn” tặng tôi, tuy nét chữ còn yếu song có thể nhận ra nét mực đều hơn, đã có tiến bộ. Tuy vậy tôi vẫn chưa an tâm, thời đại này không có máy ảnh nếu không tôi đã bắt người ta chụp hình làm tin, chụp tấm ảnh Trương Phóng cầm xâu tiền cười tươi nhìn vào máy ảnh. Sáu tháng một lần sẽ được nghỉ một ngày, tới lúc đó tôi phải ra ngoài chính mắt nhìn Trương phóng sống thật tốt mới kê gối ngủ ngon được.
Lúc về gần tới cung Thưởng Xuân thì thấy Chân Linh ngồi khóc một mình, thế là ghé qua an ủi vài câu rồi khuyên nó đi ngủ sớm, xong đâu đấy thì cũng tự mò về phòng ngủ một giấc đến tận sáng.
Sau hơn hai tháng vào cung đội người mới giờ đã trở thành người cũ, việc cần học cũng học tốt, việc không cần học cũng làm tốt chẳng hạn như việc nhiều chuyện hay chia phe phái. Cùng là cung nữ cấp thấp nhưng đội đốt lò luôn không ưa đội cây xanh hoàng cung, theo lời một chị có thâm niên nấu nước tắm cho vua Nhân Tông thì đội cây xanh dựa vào cái gì mà việc nhẹ, lương cao, lại có cơ hội thăng tiến như thế. Nghe đến đây tôi phải quay đầu hỏi:
“Chị ấy chuyên nấu nước tắm cho đức vua hả?”
Vân Anh lườm tôi: “Mày có thể nhìn vào trọng tâm được không?”
Tư Tâm tiếp lời: “Trọng tâm là làm việc bên cây xanh tốt hơn bên đốt lò nhiều.”
Tôi hỏi: “Tại sao?”
Chân Linh thở dài nhìn tôi: “Rồi bao giờ mày mới hết ngu để còn gả đi. Giờ mày nghĩ thử xem, đội cây xanh và đội đốt lò cùng tính chất công việc khác nhau, một bên chăm sóc nhu cầu sinh hoạt, một bên phụ trách thẩm mỹ hoàng cung. Ví dụ vào một ngày hoàng thượng đi dạo hoa viên, tinh thần thoải mái lại thấy được cây cối xanh tốt sẽ khen ngợi đội cây xanh rồi vui vẻ thưởng cho họ, giai thoại được kể ra sẽ ca ngợi ngài yêu cây cỏ yên thiên nhiên, rất có tính thẩm mỹ.” Nó ngừng một lát lại nói tiếp: “Rồi giờ nghĩ tiếp xem, vào một ngày sau khi tắm xong hoàng thượng thấy thoải mái, dù là đội đốt lò làm tốt nhưng đây thuộc về cảm giác nên đâu thể buông miệng nói, nước tắm dạo gần đây nấu chất lượng quá hay nước tắm hôm nay tốt hơn hôm qua rồi kêu người ban thưởng.”
Tư Tâm buồn rười rượi: “Nước tắm mà chất lượng thất thường như vậy không phạt là may, ở đó mà thưởng.”
Vân Anh cũng buồn: “Mà nếu như có thưởng thì lý do nghe mất cả mỹ quan.” Nó hắn giọng, làm tư thế quan nội thị đọc thánh chỉ: “Thủy nhiệt viện dạo gần đây nấu nước rất tốt, trẫm rất vừa ý nên thưởng cho mọi người thêm lò và nồi mới.”
Cả bọn nghe xong đồng loạt cười phá lên, nó diễn đúng cái bộ dạng nghiêm túc của quan nội thị nhưng lại phung ra mấy câu này hại tôi cười chảy nước mắt.
Hôm nay bọn tôi được phân công trực đêm đến đầu giờ tỵ (19h tối), sắp hết ca làm mà vẫn chưa xong hết việc nên cả đám chạy loạn, tôi được phân công đi qua Ty lương y lấy nguyên liệu nấu nước cho ngày mai.
Tôi rất thích sang Ty lương y, đây được xem là bệnh viên cao cấp nhất cả nước thời cổ đại, thêm nữa khắp nơi đều là thuốc quý mà hồi trước bác trai chỉ nói sơ sài vì nghĩ hiếm gặp được, giờ mỗi lần sang tôi đều thừa cơ đi qua chỗ mấy củ nhân sâm núi to tướng, chỉ nhìn thôi cũng thích mắt.
“Cô Nguyệt Mẫn đến lấy lá nguyên liệu hả? Xin cô đợi cho một lát!”
Người lên tiếng là một thái y trẻ tuổi của Ty lương y tên là Lý Vinh, vì dạo gần đây tôi hay sang nên cũng có nói chuyện mấy lần, là một chàng trai dễ gần.
“Xong rồi, mình đi!”
Lý Vinh cười tươi bước ra, trên đầu còn dính miếng rễ cây nhỏ, tôi cười cười ra hiệu cho anh ta gỡ xuống nhưng anh ta cứ ngơ ngác không hiểu, thấy vậy tôi nhón chân gỡ xuống giúp. Anh ta giật mình né đi, đến khi thấy rễ cây trong tay tôi mới ngại ngùng cảm ơn.
“Trung tuần tháng trước nhập về nhiều nhân sâm quá nên phải phân loại bảo quản, bận từ chiều đến giờ, cô không gọi chắc tôi cũng không phát hiện trời đã tối vậy rồi.”
Tôi cười: “Nghe sao giống như tôi gián đoạn công việc của anh vậy nhỉ?”
Lý Vinh xua tay lia lịa: “Không không, Nguyệt Mẫn đừng hiểu như thế mà tội cho tôi, thấy cô sang tôi mừng còn không kịp, sao lại có ý trách được.”
Tôi cười ha ha, chỉ định trêu một chút nhưng Lý Vinh lại tưởng thật rối rít giải thích nên tôi thôi không đùa thêm.
Lý Vinh là thái y trẻ tuổi nhất trong Ty lương y nhưng không vì vậy mà bị coi khinh, nghe nói cha của Lương Vinh là Ngự Y chưởng quản tiền nhiệm, chưởng quản hiện tại là học trò của Lý thái ý khi đó. Thêm nữa Lý Vinh tính tình hòa nhã điềm đạm, ngoại hình dễ nhìn nên ai cũng mến, mỗi lần đến ca trực của Lý Vinh thì đột nhiên số lượng cung nữ bệnh tăng lên nhanh chóng. Mấy việc này đương nhiên là nghe ngóng được từ chỗ Chân Linh, cái đứa cắt cử tôi sang đây, chả biết lấy căn cứ đâu nó nghĩ tôi sẽ hấp dẫn được Lý Vinh, dựa vào vòng một còn bé hơn Tư Tâm hay nhan sắc đại trà của tôi.
Lúc đi qua chỗ phơi thuốc tôi thích thú nhìn quanh, dù sao cũng là việc từng làm nên không tránh được tò mò.
“Tôi thấy cô Nguyệt Mẫn cũng thích y lý lắm, dám hỏi trong nhà có ai hành nghề y sao?”
Tôi gật đầu: “Bác nhà tôi là thầy lang ở địa phương, khi trước có theo phụ quá trình chế thuốc nên có biết sơ sơ. Nhà chúng tôi ở gần núi nên thường tự đi hái về rồi đem phơi khô mà cất đi, dĩ nhiên chất lượng thua xa ở đây, như mấy củ nhân sâm trong kia, tôi chưa thấy nhân sâm núi nào to như thế.”
Lý Vinh nói: “Vật mọc trên núi là vật được tự nhiên nuôi dưỡng, mà bình sinh tính tự nhiên rất quý ở thuốc, cũng như nhân sâm núi dù bằng cổ tay đứa trẻ sẽ quý hơn nhân sâm nhân tạo to bằng bàn chân người lớn.” Nói xong anh ta nhìn tôi, chẳng biết vẻ mặt tôi lúc đó thể nào mà Lý Vinh giật mình một cái rồi cười xòa nói: “Để cô chê cười rồi, bệnh nghề nghiệp cứ gặp ai cũng thao thao bất tuyệt mấy đièu này.”
Tôi cũng cười: “Đâu có, Vinh thái y chịu chia sẻ kiến thức với tôi thì tôi được lời rồi, tôi mong còn không được.”
“Vậy nếu sau này Nguyệt Mẫn có hứng thú về y lý thì cứ sang tìm tôi đàm luận bất cứ lúc nào.”
Hình như nói xong tự cảm thấy có hơi thẳng thừng nên Lý Vinh nói tới đó thì im bặt, hai chúng tôi đi song đôi với nhau nhưng anh ta cũng quay sang nhìn tôi như lúc nãy, không khí ngượng ngùng bao trùm. Cũng may đã đến phòng lấy vật liệu, nào lá bưởi, lá trà, hoa hồng hoa lài khô đều cần lấy, Lý Vinh cẩn thận gói từng thứ lại, sắp xếp vào giỏ thật gọn gàng rồi mới đưa tôi. Chàng trai tốt thế này phải giành phần cho thân thích, nếu gả được Vân Anh hay Tư Tâm cho Lý Vinh thì hay phải biết.
“Ơ, gì kỳ vậy?”
Tôi nhớ đi đến đến ngã ba của hành lang giải vũ này thì rẽ trái sẽ thấy “cây liễu lẳng lơ” ngã vào chắn đường đi mà, rồi tiếp tục đi hết hành lang đó sẽ đến “trận doanh” của đội đốt lò, sao giờ càng đi càng thấy lạ vậy nè.
Thôi xong rồi, bệnh cũ tái phát, lại lạc đường rồi.
Tôi nhanh chân theo đường cũ trở về, cũng không biết là lạc từ đoạn nào nữa nhưng đường cũ cũng ngày càng lạ.
Gió đêm thổi vù một cái, tôi đứng ôm giỏ hoa lá trơ trội giữa trời đất.
Tôi bị lạc một cách triệt để, có câu quay đầu là bờ nhưng giờ ngay cả đường quay về tôi cũng quên rồi.
Trời tối đen, hành lang giải vũ dài hun hút không bóng người, vài chiếc lồng đèn đỏ treo xa xa bị gió thổi đung đưa gần như sắp tắt.
Trời má ơi, đừng nói tôi là nữ chính phim kinh dị nha, đừng nói lát nữa gió thổi lồng đèn tắt ngúm nha, rồi tiếp đó gió vù vù thổi qua và từ đằng xa xa xuất hiện cái bóng trắng.
Vừa nghĩ tới đó lồng đèn bị gió quật một phát bay luôn xuống đất, tắt ngúm.
“Vãi~~~!”
Tôi bật thốt tiếng lòng rồi co giò chạy về hướng ngược lại, sợ đến nỗi tim đập như trống trong ngực, chân xoắn vặn cắm đầu mà chạy nhưng chưa chạy hết hành lang đã thấy từ đằng xa xuất hiện một cái bóng trắng.
Tôi không chạy nữa, đứng luôn tại chỗ, vì sợ đến chân không nhúc nhích được nữa rồi.
Đứng nhìn một lúc tôi mới biết thì ra tôi tự dọa mình chứ đâu phải ma áo trắng gì.
Người áo trắng bước chân vội vã nện gấp gáp trên hành lang giải vũ làm cho nhóm người xách lồng đèn và cũng nữ phía sau cũng nhốn nháo chạy theo.
Lúc chạy qua chỗ “cây liễu lẳng lơ” viên nội thị cầm lồng đèn chạy kế bên kêu lên: “Đại hoàng tử coi chừng vấp ngã.”
Tôi đứng trân tại ngã ba hành lang giải vũ, nhìn chàng trai áo trắng từ từ tiến lại gần. Phía trên trần chỉ còn lại vài chiếc lồng đèn với ánh sáng yếu ớt hắt xuống và chiếc lồng đèn to trong tay quan nội thị, hai nguồn ánh sáng hòa trộn với nhau giúp tôi nhìn được dáng người đang vội vàng bước đi kia.
Người nọ mặt áo viên lĩnh ngoài màu trắng, cổ áo tròn ôm lấy chiếc cổ thon và bờ vai rộng, dưới ánh sáng từ chiếc lồng đèn bên cạnh hoa văn hình mây được thêu chìm trên áo cũng nhe nhàng lay động theo mỗi bước chân.
Tôi nhích chân về phía trước vài bước, nghe giọng mình run run vang lên: “Trần Ngọc…!”
Quan nội thị đi trước soi đường, lúc thấy tôi thì quát to: “Nhanh tránh đường cho hoàng tử! Còn đứng ngây ra đó.”
Tôi hoàn hồn vội đứng nép sang bên tránh đường, lúng túng quỳ xuống hô vang: “Kính chào Hoàng tử!”
Chỉ một câu nói kéo khoảng cách ra xa vạn trượng, vị trí tôi đứng không quá thấp, chỉ là địa vị người nọ quá cao, muốn với cũng không với tới.
Dĩ nhiên không ai quan tâm tôi có hành lễ hay không mà chỉ nhanh chóng bước vội để theo kịp Trần Ngọc, trời tối như vậy Trần Ngọc chắc cũng không chú ý tới một cũng nữ bình thường trong số hàng trăm người khác, tự dưng tôi nhớ tới hot trend một thời trên facebook, “vội vã lướt qua nhau như chưa từng quen biết”, đây đúng là câu hợp lý nhất.
Mà… vậy cũng tốt. Ngay từ ban đầu tôi cũng chỉ muốn xác nhận đó có phải Trần Ngọc hay không, biết được người nọ sống tốt là được. Trần Ngọc là nhân vật lịch sử, là con cưng của thời gian, được quen biết đã là một may mắn trong đời rồi.
Lúc bọn người Vân Anh tìm thấy tôi thì tôi vẫn đang loay hoay chưa tìm được đường về, lúc đến gần cả bọn đột nhiên ngạc nhiên rồi lần lượt nhào qua ôm tôi.
Tư Tâm nói: “Chị Nguyệt Mẫn đừng khóc, đừng sợ gì hết nhe, mọi người đến rồi nè.”
Ơ, tôi chảy nước mắt từ lúc nào vậy?
Vân Anh nói: “Tao biết ngay là lạc đường mà, bữa giờ toàn là tao dẫn mày đi, nay đi một mình thì lạc là tất nhiên rồi, có gì mà ấm ức tới phải khóc?”
Vân Anh lấy khăn tay trong túi ra lau nước mắt cho tôi nhưng vừa lau được vài cái thì sững lại không lau, tôi nhìn cái khăn trong tay nó toàn bụi than.
Chân Linh nói: “Khóc cái mốc. Tao nhớ mày lì đầu lắm mà, hổm bị dì quản lý mắng như tát vô mặt mà không thấy động cái chân mày, nay tự dưng nước mắt tràn bờ. Thôi nhanh về còn ngủ.”
Rồi bốn cô gái chúng tôi dắt díu nhau đi về, gió đêm đông vẫn lanh nhưng tình cảm chân thành của những cô gái trẻ này lại làm tôi thấy ấm lòng, chỉ là cõi lòng ấy đang dâng lên đau xót vô hình mà chính tôi cũng chưa ý thức được.
Hoàng cung về đêm lắng dần những tiếng động ồn ã, tiếng cười nói giống như bị màn đem nuốt chửng, hoặc là chỗ tôi ngồi không có tiếng động nào có thể xâm nhập được.
“Má ơi, sao chui vào góc ngồi?”
kjkjh